15 năm công tác liên ngành phòng, chống in lậu: Phát hiện, xử lý hàng triệu xuất bản phẩm vi phạm
2024-12-09 17:49:00.0
Sách giả, sách lậu được in ấn tinh vi, rất khó để phân biệt với sách thật. (Ảnh: First News)
Ngày 5/11/2009, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương được thành lập với mục đích phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực in, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng chống in lậu.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Cục Phó Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó trưởng Đoàn công tác liên ngành cho biết, trải qua 15 năm, các tổ chức liên ngành phòng, chống in lậu từ trung ương đến địa phương đã luôn phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, tuyên chiến với “vấn nạn in lậu, phát hành sách lậu”.
Đến nay, cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố có đội liên ngành phòng, chống in lậu, trong đó một số địa phương ghép công tác phòng, chống in lậu vào Đội kiểm tra liên ngành địa phương. Việc kiện toàn nhân sự Đội liên ngành và ban hành Quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch công tác thường niên và tổ chức cấp thẻ công tác cho các thành viên Đội được các địa phương quan tâm triển khai hiệu quả.
Đông đảo các địa phương, các đơn vị xuất bản, các cơ quan, ban ngành liên quan đã đến dự Hội nghị
Quán triệt quan điểm “chủ động phòng ngừa là chính”, trong suốt 15 năm hoạt động, các tổ chức liên ngành phòng, chống in lậu luôn quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống in lậu với nhiều hình thức đa dạng thông qua các hội nghị tập huấn, ban hành văn bản hướng dẫn tuyên truyền phổ biến Luật Xuất bản; các văn bản quy định về hoạt động in của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Thông tin và Truyền thông,… các quy định pháp luật về lĩnh vực in.
Các Đoàn, Đội liên ngành phòng, chống in lậu đã có sự phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Thông tin và Truyền thông địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhiều vụ việc qua đó, nâng cao tính răn đe và phát huy toàn diện chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.
Qua kiểm tra đoàn/đội liên ngành trung ương và địa phương đã phát hiện vi phạm hành chính hàng nghìn vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tiêu hủy hàng triệu xuất bản phẩm vi phạm, kịp thời chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
Giai đoạn 2015-2022:
Tiến hành 78 lượt kiểm tra cơ sở in, cơ sở phát hành
Phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với tổng số tiền là 644 triệu đồng, xử lý thu hồi
Đề nghị tiêu hủy 88.885 xuất bản phẩm các loại, 1.390 lịch blốc, 162.400 tờ bìa sách, ruột sách và 128 kẽm in ruột sách.
10.787 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và ban hành 656 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 6.276.400.000 đồng
Thu hồi, tiêu hủy 476.618 xuất bản phẩm vi phạm, 2.600 bìa xuất bản phẩm, 152 cuốn lịch blốc không dán tem, 16 lịch bàn,
Lập biên bản tạm giữ 4 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 1 Giấy chứng nhận không đủ điều kiện an ninh trật tự của chủ cơ sở; thu giữ 283,2 nghìn tờ in của xuất bản phẩm đang hoàn thiện, 477 bản kẽm in xuất bản phẩm và 7.270,42kg tài liệu xuất bản phẩm vi phạm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, hiện nay, hoạt động của công tác kiểm tra liên ngành vẫn còn một số khó khăn cần được tháo gỡ như thiếu nguồn lực và ngân sách, thiếu sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan liên quan, còn khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, các quy định và luật pháp về in lậu có thể còn thiếu rõ ràng hoặc không được cập nhật kịp thời, gây khó khăn trong việc áp dụng và thực thi.
Ngoài ra, Cục trưởng Nguyễn Nguyên cũng đề cập đến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ in ấn và truyền thông giúp các đối tượng in lậu có thể áp dụng công nghệ mới để thực hiện hành vi vi phạm, làm cho việc phát hiện và xử lý trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, đoàn liên ngành và các đội liên ngành có thể chưa kịp thời cập nhật các công nghệ và phương pháp sản xuất mới nhất để đối phó với các hình thức in lậu hiện đại.
Bộ Thông tin Truyền thông trao bằng khen cho những địa phương, đơn vị có thành tích trong công tác liên ngành phòng, chống in lậu
Cũng liên quan đến công nghệ, sự phát triển của thị trường trực tuyến và các nền tảng số cũng khiến việc phát hiện và xử lý in lậu trên Internet trở nên khó khăn hơn so với các hình thức in ấn truyền thống. Cục trưởng Nguyễn Nguyên đề nghị, trong thời gian tới phải có sự thay đổi, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan liên quan, cập nhật công nghệ mới đối với cả cơ quan quản lý và chủ sở hữu xuất bản phẩm, cơ cấu lại bộ máy để đồng bộ về nhân sự, bổ sung và hoàn thiện chế tài để có cơ sở xử lý mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn đối với các hành vi vi phạm.
Tại Hội nghị, Bộ Thông tin Truyền thông cũng trao bằng khen cho những địa phương, đơn vị có thành tích trong công tác liên ngành phòng, chống in lậu.
nhandan.vn