Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tân Kim đi lên từ thế thuần nông

2024-02-16 18:20:00.0

 

Vừa ra Tết, thời tiết như chiều theo lòng người, buổi sáng có chút mịt mùng hơi sương nhưng gần trưa là hửng nắng, khiến cho vạn vật bừng lên sắc Xuân tươi mới. Chúng tôi phấn chấn đạp nhẹ chân ga đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu dẫn đến trụ sở xã Tân Kim (Phú Bình). Hai bên đường rực rỡ cờ đuôi nheo được các hộ dân trang trí, sự ấm no đã hiển hiện trên mỗi ngôi nhà.

Nhà văn hóa xã Tân Kim được xây dựng khang trang, đáp ứng tiêu chuẩn trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.

Nhà văn hóa xã Tân Kim được xây dựng khang trang, đáp ứng tiêu chuẩn trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.

Bên ấm trà nóng, chúng tôi rôm rả nhắc lại chuyện xưa để thấy những gì có được hôm nay là cả một sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Kim trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Một thời, hễ xuống Phú Bình là phải mặc áo mưa, bịt khẩu trang kín mặt, không cả người sẽ “đỏ như tôm luộc” bởi bụi đường. Đường đất đỏ, bụi bặm ngày nắng, trơn trượt về mùa mưa từng trở thành “thương hiệu” của quê lúa Phú Bình, trong đó có xã Tân Kim. Nhưng nay, đường liên xã, liên xóm ở Tân Kim không chỉ rộng mà còn được đổ bê tông, trải nhựa phẳng phiu (tỷ lệ cứng hóa đường liên xã đạt 100%; đường liên xóm đạt 98%). Giao thông đi lại thuận tiện khiến mảnh đất thuần nông này có cơ hội cựa mình bứt phá. Trong báo cáo của địa phương đã không chỉ đơn thuần nhắc đến cây lúa, củ khoai, con lợn, con gà mà đã có dòng đánh giá: “Năm 2023, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 35 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm trước. Các hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển ổn định; thị trường hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân”.

Thương mại - dịch vụ phát triển cùng với việc người nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao giúp thu nhập bình quân ở xã Tân Kim đạt gần 55 triệu đồng/người/tháng; xã phấn đấu đạt 60 triệu đồng/người/tháng vào năm 2024. Đồng chí Phạm Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Kim cho biết: Chúng tôi luôn xác định muốn xây dựng địa phương ngày càng phát triển, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày một nâng cao, không có cách nào khác là phải phát huy được tinh thần đoàn kết và không ngại đổi mới. Đổi mới trước hết là ở tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ. Người dân Tân Kim hiện nay đã biết khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có để từng bước phát triển, đi lên bằng chính nội lực.

Xác định trồng rừng và chăn nuôi là 2 thế mạnh chính của địa phương, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân rẫy dọn cây tạp, phủ xanh đồi bãi bằng cây keo lai. Đến nay, toàn xã có gần 300ha rừng, trung bình mỗi năm người dân trồng mới, trồng thay thế hơn 30ha. Toàn xã có 2 trang trại và hơn 40 gia trại chăn nuôi lợn, gà. Trong sản xuất lương thực, xã vận động bà con thay thế các giống lúa cũ bằng lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, như: TH 3-7, J02; ADU 28., BTE1... Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2023 đã đạt 250 tỷ đồng (trong đó giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp là 215 tỷ đồng), tăng hơn 6% so với năm trước. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt tăng lên gần 120 triệu đồng/năm.

Anh Phạm Văn Dương, xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim, nói: Trước đây, vợ chồng tôi cật lực cấy cày, chăn nuôi. Năm nào mưa thuận gió hòa, đủ ăn đã là mừng chứ không có tích lũy. Bởi sản phẩm làm ra bị tư thương ép giá, do giao thông đi lại không thuận tiện. Nay, đường bê tông về đến tận cổng; mình lại sản xuất bằng các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản phẩm không chỉ đạt năng suất cao mà chất lượng cũng được nâng cao. Vẫn nhờ trồng trọt, chăn nuôi, nhưng nay gia đình tôi đã có tích lũy, có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm các vật dụng sinh hoạt tiện ích.

Kinh tế từng bước phát triển, người dân Tân Kim có điều kiện, thời gian quan tâm đến các hoạt động văn hóa - xã hội, tích cực xây dựng gia đình văn hóa; sẵn sàng đóng góp tiền của đối ứng, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa của xã đạt 93,26%; 16/16 xóm đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,16%, vượt 26,4% kế hoạch huyện giao; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 99%... Xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu về đích trong năm nay (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch).

Để đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra, theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Nguyên: Địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung. Đồng thời chỉ đạo mỗi đơn vị xóm xây dựng 1 mô hình cánh đồng một giống; phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học, gắn với bảo vệ môi trường; phát triển mô hình hợp tác xã, gia trại, từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ...

Hạnh Huyền
Báo Thái Nguyên

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 5508590